Yếu tố Đông Nam Á trong văn hóa Việt Nam, ghi chép 1

Dạo gần đây, phong trào "về nguồn", tìm hiểu lịch sử cha ông của giới trẻ Việt Nam lên cao. Đó là điều rất phấn khởi. Tuy nhiên tôi thấy có dấu hiệu thiên lệch về kiến thức của các bạn, khi có bạn có thái độ đề cao yếu tố Đông Á, Trung Hoa trong văn hóa Việt Nam mà coi thường yếu tố Đông Nam Á, hoặc là lờ đi như không có, hoặc coi như là thứ tầm thường, hạ cấp. Tôi cho rằng hiện tượng này có nguyên nhân khách quan, khi tầng lớp trí thức xưa phần lớn là Nho sĩ, khiến cho việc nghiên cứu theo chiều hướng "văn hóa Trung Hoa" được đào sâu hơn, để lại nhiều tư liệu hơn, và các bạn trẻ ngày nay cũng chỉ được tiếp cận nguồn tư liệu "một chiều" như thế. Trong khi việc nghiên cứu theo hướng Đông Á có sẵn tư liệu, có sẵn thành quả của người đi trước thì việc nghiên cứu theo hướng Đông Nam Á bị trở ngại bởi tư liệu không có, đòi hỏi phải đi thực địa nhiều hơn, phải tiếp cận các tài liệu của những ngoại ngữ "không mạnh" như tiếng nói của dân Đông Nam Á (tiếng Thái, tiếng Malay v.v...), hoặc thảm hơn là phải "giải mã" những chữ viết cổ, thất truyền như chữ Chăm cổ.

Nhằm bù đắp cho sự mất cân bằng trên, tôi sẽ bắt đầu ghi lại những khám phá của tôi, trong quá trình tìm hiểu văn hóa lịch sử Đông Nam Á, nhằm cung cấp tư liệu để những người đam mê lịch sử có cái nhìn toàn diện hơn. Những gì tôi sẽ viết dưới đây, chỉ là những ghi chép vụn vặt, chứ không phải là bài nghiên cứu hoàn chỉnh, bởi vì tôi không phải là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Tôi cũng chỉ hi vọng mình đóng góp được nhiều nhất là mặt "tư liệu".

Bắt đầu cho chuỗi bài này, xin kể về cách dùng từ ngữ về gia đình trong tiếng Việt, Thái (của Thái Lan), và Hán (tôi không biết chữ Hán nên sẽ trình bày về nó thông qua dạng Hán - Việt).

Nếu như trong tiếng Hán, "cha mẹ" là "phụ mẫu", thì trong tiếng Thái là "po me" (phát âm với thanh "thô", nằm giữa thanh ngang và thanh sắc của tiếng Việt), nghe rất giống với "bố mẹ", là một phương ngữ phổ biến của miền Bắc.

Nói về anh em, trong tiếng Hán có "huynh, đệ, tỉ, muội". Tiếng Thái có "pi" (anh/chị, chữ "p" này tạm ghi như thế, chứ thực ra là một chữ nằm giữa "p" và "ph/f" của tiếng Việt), "noóng" (em). Trong tiếng Hán, không khi nào ta ghép từ chỉ giới tính (gái/trai) vào các từ kia, nhưng trong tiếng Việt và tiếng Thái thì lại có. Ví dụ, người Việt nói "anh trai" thì người Thái nói "pi chai", người Việt nói "em gái" thì người Thái nói "noóng xảo", còn tiếng Hán thì không nghe thấy "nam huynh, nữ muội" bao giờ.