Họ tên có phản ánh nguồn gốc dân tộc không?

Vừa rồi nghỉ dịch, ngoài thông tin về dịch lan tràn khắp mạng XH, đây đó nhiều người vẫn tiếp tục những chủ đề chuyên môn của họ, như là mảng lịch sử. Chỉ trong thời gian ngắn mà mình bắt gặp một ý kiến nổi lên hai lần, ấy là có mấy bạn thấy các tên họ của người Việt đều là "gốc Tàu" xong suy luận là người Việt có gốc Trung Quốc.

Mình thì không có ý kiến gì về gốc gác họ tên, lẫn chẳng có ý kiến gì về nguồn gốc người Việt (việc đó khó quá, nên để nhiều ngành khoa học hợp tác làm). Chỉ muốn nói cách suy luận đó là hệ quả của sự "học lệch". Vì chỉ đọc sử Trung Quốc, theo dõi các chuyện văn hóa nghệ thuật của khối Đông Á nên các bạn ấy không ngờ rằng trên đời, việc một dân tộc này dùng họ tên của tiếng dân tộc khác là chuyện thường tình. Ví dụ trong Đông Nam Á này thôi, người Malay thì lấy tên từ tiếng Ả Rập (chẳng hạn thanh niên trong hình là Syed Saddiq bin Syed Abdul Rahman, còn trẻ thế mà đã làm Bộ trưởng của Malaysia rồi), người Philippines thì lấy tên gốc Tây Ban Nha, người Thái Lan, Indonesia thì lấy tên gốc tiếng Phạn (Ấn Độ). Các nước còn lại cũng thường lấy tên có một nửa gốc tiếng Phạn, Pali. Tên họ không phản ánh nguồn gốc dân tộc mà chỉ là kết quả của sự ảnh hưởng văn hóa, những tác động chính trị. Người Malay lấy tên tiếng Ả Rập vì họ cải theo đạo Islam. Người Philippines lấy tên tiếng Tây Ban Nha vì họ rơi vào sự thống trị của thực dân TBN ngay từ khi họ chưa kịp tạo dựng một nhà nước quân chủ thống nhất với nền tảng văn hóa đủ dày. Thái Lan và Indonesia thậm chí có luật bắt buộc công dân phải đặt tên sao cho chỉ được dùng các từ gốc tiếng Phạn, thành thử có nhiều người gốc Hoa nhưng lại có tên Vichai, Sri, Rahman, thay vì những Wong, Tan, Ng như bên Malaysia, Singapore.

Syed Saddiq

Nhân nói về họ tên, có một điều thú vị là không như khối Đông Á, nơi "phần họ" được duy trì từ ông xuống cha, con, cháu, thì trong một số truyền thống văn hóa khác, "họ" chỉ đơn giản là "con ông X" thôi, nên sẽ thay đổi theo thế hệ (dùng tên cha lấp vào phần "họ" của con). Ví dụ như anh chàng bộ trưởng phía trên, theo https://desklib.com/document/a-leader-is-someone-who-can-identify-way/ thì cha ông tên "Syed Andul Rahman" và mẹ ông tên "Sharifah Mahani binti Syed Abdul Aziz". Chữ "bin" ở đây nghĩa là "con trai của ông..." và "binti" là "con gái của ông...". Ngoài ra thì người Myanmar vẫn còn giữ truyền thống là "không có họ".

Cũng có một lợi ích khác từ việc dùng tên tiếng nước ngoài, đó là để tránh nhầm lẫn với từ ngữ giao tiếp hàng ngày. Ví dụ câu nói sau có thể gây bối rối: "Mày đi thêm tí nữa, tới ngã ba, gặp hòn đá nhỏ hay nằm ở đấy, rồi hỏi nó đường đi tiếp". Trong câu chuyện này thì "hòn đá nhỏ" chỉ đơn giản là tên một anh chàng hay nằm hóng mát ở đấy.