Hi vọng sự kiện Ánh Viên sẽ giục giã nhiều bạn trẻ lao vào con đường bơi lội, nhằm tìm 1 tài năng xêm xêm Ánh Viên để gặt nốt HCV nội dung tiếp sức cho Việt Nam. Nói gì nói, đội hình Việt Nam chênh lệch quá làm Ánh Viên bị thua số huy chương so với anh chàng người Singapore.
Và nhân trong 1 khí thế hừng hực này, NXB Trẻ nên tái bản và marketing mạnh mẽ bộ truyện Rough của tác giả Adachi Mitsuru. Đây là bộ truyện đã truyền cảm hứng cho mình lao vào tập bơi, trong bối cảnh môn bơi VN khi đó vẫn còn nhạt nhòa so với các nước trong khu vực, chưa có 1 VĐV nào đủ sức gây nên cơn sốt.
Khi nói về chặng đường học bơi của mình, không chỉ có bộ truyện tranh Rough, mình còn phải cảm ơn rất nhiều bạn Thành, người "thầy" đầu tiên dạy bơi cho mình. Sau khi chia tay bạn vì học hết lớp 12, với món bơi ếch sơ sơ học được, mình tiếp tục tự tập các kiểu bơi khác, và cũng "tầm sư học đạo" từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu là để ngộ ra một số bí kíp, khiến mình giải quyết được những bế tắc khiến mình không thể tiến bộ. Nhân tiện kể ra ở đây, nhắm giúp ai có gặp những khó khăn tương tự thì có thể tháo gỡ, để càng có nhiều người giỏi bơi thêm nữa.
1. Bơi ếch (breaststroke)
Đây là kiểu bơi đầu tiên mình học. Ngày đó tập ở hồ Hải Quân. Sau này đi nhiều hồ khác thì mình rút ra là hồ này sạch nhất, ngon nhất. Có lẽ vì nó mới xây và lại nằm trong khu quân đội nên ít nổi tiếng, ít người đến bơi. Cũng lần đầu tiên tại hồ này mình rung động với một chị, hơn mình chắc cũng chục tuổi. Không biết bơi mà cũng tíu tít đến nói chuyện rồi hướng dẫn này nọ. Tiếc là hồi đó mình thơ dại quá nên bị thằng quỷ Thành chọc là lần sau không dám mon men chị nữa. Nếu cáo như bây giờ thì biết đâu được lái máy bay rồi :D. Quay lại việc bơi, những ngày đầu mới tập, mình bị gặp khó khăn với việc phối hợp tay chân, do mỗi lần cố ngoi đầu lên thở thì tay chân lại rồi loạn. Cách giải quyết là ngoi lên thưa thôi, cứ ngập trong nước trong 2 nhịp quạt tay hãy ngoi lên một lần. Ngoài ra, mình còn có một khuyết điểm nữa là phương nằm của cơ thể. Thời gian đầu, mình hay rướn lên khiến dần dần cơ thể bị mất thế nằm ngang mà chuyển sang thế đứng, bơi không đi, chân chạm đáy hồ và mỏi cổ vì ngước lên nhiều. Mình lại tự sửa bằng cách mỗi lần thở xong, chúi xuống thì mình gập người sâu xuống nước để sửa lại thế. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, mình vẫn cảm thấy có gì đó còn sai, cảm thấy bơi chưa đúng cách và không hài lòng với tốc độ (có lần thử bơi theo 1 em gái mà bị em ấy bỏ xa dần xa dần :'( ).
2. Bơi sải (freestyle/crawl)
Khi tập kiểu bơi này, mình cũng bị trục trặc là mỗi lần nghiêng người ngóc đầu thở thì mình bị chìm. Có một thời gian mình hay ra hồ Kì Đồng quận 3 để tập. Hồ này nhỏ, chỉ dài 25m, có nhạc du dương êm nhẹ, với những bản tình ca Pháp. Có mấy hôm mình ra hồ rất sớm, hoặc lại ra hồ lúc trưa vắng hoe, lúc chỉ có 1 mình mình và 1 em bên hồ nữ tập. Tại đây, một lần thấy mình bơi ngu quá, một ông bác nhìn ngứa mắt quá mới chờ mình đến gần và chỉ rằng "phải đập chân liên tục". Mình cố gắng làm theo và nhận ra rằng hóa ra là do mình lúc nghiêng người để thở thì thân người mình xoay ngang qua và mình cũng dừng đập chân luôn. Lúc đầu mình hay nghĩ phải đập chân lên lên xuống xuống nên lúc người xoay qua 1 bên, mất cái thế đập lên xuống làm mình ngừng đập luôn, hậu quả là bị chìm. Từ đó mình rút ra kinh nghiệm ra ngay cả khi người nghiêng thì vẫn đập chân, chấp nhận đập ngang luôn. Lúc đó mới ngộ ra trong bơi, chân là quan trọng nhất. Không cần quạt tay mà chỉ cần thân thôi cũng làm người nổi và tiến lên phía trước trước. Tay chỉ giúp bơi nhanh hơn. Lúc này cũng mới thấm thía tại sao cá bơi bằng đuôi, mặc dù hồi nhỏ cứ tưởng là cá bơi bằng vây cơ, vì liên tưởng tới chiếc thuyền tiến lên được nhờ mái chèo.
Trong khi tập bơi sải, mình còn mắc lỗi ở cách ngoi đầu lên thở. Ban đầu, dù vẫn biết là phải ngoi nghiêng, nhưng mình vẫn làm đầu ngước lên phía trước, vì để cố nhìn thấy trước mặt. Sau này đọc sách thì nhận ra là đừng có ham nhìn về phía trước làm gì. Nhìn ngang và chếch về phía sau luôn. Như thế sẽ khiến người không cong lên, không gây cản nước và bơi nhanh hơn. Ngoài ra, khi quan sát một anh bơi ở hồ Nguyễn Bỉnh Khiêm, bơi 1 lèo từ bờ bên này tới bờ kia mà vẫn giữ mặt cắm xuống nước, không ngoi lên thở lần nào, mình lại học thêm một mẹo nữa là, hít thở ít thôi, để đỡ cản nước. Kiểu bơi này, đến ngày hôm nay, mình vẫn cảm thấy quỹ đạo quạt tay chưa chuẩn lắm, nhưng chưa khắc phục được.
3. Bơi ngửa (backstroke)
Trục trặc đầu tiên khi mình tập kiểu bơi này là không giữ cho mình nổi được, khiến người cứ chìm dần rồi sặc nước. Chú mình thấy mình tập bơi, bảo rằng do mông mình cứ cắm xuống như người ngồi. Nhưng mình không biết làm cách nào để sửa, tức là để nâng mông lên. Và cơ duyên đến khi mình rớt môn Thể dục ở trường Đại học. Ngày đó, thời Đại học, mình học Thể dục các môn như sau: Chạy bền, Bóng chuyền, Bóng rổ và cuối cùng là Bóng ném. Trái ngược với thời Trung học mình luôn lẹt đẹt với môn Thể dục vì thể trạng yếu đuối do suy dinh dưỡng và viêm họng, ở Đại học thì mình lại học Thể dục rất khá, nhờ thể lực được cải thiện rõ rệt sau những ngày hành xác ở CLB Karatedo của trường (em rất biết ơn sư phụ). Tuy nhiên, thời gian luyện tập ở CLB không đủ dài (mình đã nghỉ tập sau 3 tháng) để mình khắc phục điểm yếu cố hữu ở đôi tay. Cánh tay khẳng khiu không đủ lực để ném bóng đi xa khiến mình rớt môn Bóng ném. Khi học lại Thể dục chung lớp với các em khóa sau thì may sao trường không mở Bóng ném nữa mà thay bằng Bơi. Tại đây mình cũng tìm được bí kíp cho tình trạng "nặng mông", đó là "hãy ưỡn lưng cong lên". Lúc đầu cứ tưởng, ưỡn lưng lên sẽ khiến cho đầu chúi xuống nước, ngạt thở luôn thì sao. Hóa ra là không. Chỉ cần ưỡn lưng lên là không những giữ cho mông không chìm mà đầu cũng không chìm luôn. Nhân nói về bơi ngửa, mình cũng có 1 kỉ niệm nhỏ, khi bơi ở Hồ Phú Thọ vào đúng ngày đông nghẹt người. Lúc ấy vì bơi ngửa không thấy phía trước, hồ lại đông nên mình quẹt trúng người một em xinh. Tiếc là mình quẹt một cách vô tình nên không kịp cảm nhận cơ thể mềm mại của em ấy.
Kiểu này cũng còn một khuyết điểm mà mình chưa khắc phục được, đó là không bơi theo đường thẳng được, toàn chệch hướng sang trái không (do tay trái yếu, chèo kém).
4. Nhảy xuất phát
Hình như mình bắt đầu tập nhảy khi đọc truyện Rough, cũng là lúc mình đang tập sải. Từ truyện này mà mình biết là khi đứng trên bục thì đứng sát mép bục, móc đầu ngón chân vào cạnh mép, để làm điểm tựa búng người ngang về phía trước. Nếu không móc vào thì với bề mặt nằm ngang của bục, người ta chỉ có thể dậm nhảy lên theo phương thẳng đứng thôi. Còn một bí kíp khác quan trọng mà mình học được ở lớp học lại, là cách làm cho chân thẳng và người cong tự nhiên như con tôm. Thông thường, nếu không biết bí kíp này, người bơi khi nhảy hay vô tình gập đầu gối lại làm người cong ngược như con bọ cạp. Vậy, để giữ chân thẳng thì khi bay người, phải làm sao cho mắt luôn nhìn thấy đầu ngón chân. Nhờ có sự kiểm soát của đôi mắt mà chân ta không vô tình gấp lên được nữa, và ta có một tư thế đẹp. Chíu.
Hiện giờ, đang còn một vấn đề tồn tại là mỗi lần tiếp nước thì kính bơi của mình lại bị nước đẩy tuột xuống mũi hoặc cổ, thế là từ đó phải bơi không kiếng cho tới khi tới đích. Rất là khó chịu.
5. Đập chân cá heo (dolphin kick)
Đây là các đập chân của bơi bướm, cũng là cách di chuyển trong nước khi ta mới hoàn thành việc nhảy xuất phát và đang ngoi lên mặt nước (phải lên mặt nước rồi thì mới quạt tay và triển khai các kiểu bơi kia được). Ban đầu nhìn mấy em bơi bướm thân người uốn lượn như con sóng thấy đẹp mắt quá mà không biết làm thế nào để được như thế. Sau này vô Nhà sách Nhân văn đọc cọp, rồi làm thử thì mới ngộ ra rằng chỉ cần đập chân thôi, giữ đầu gối thẳng, không gấp, giống như lúc bơi sải, thì tự thân người sẽ cong ưỡn nhịp nhàng và tạo thành chuyển động uốn.
6. Lặn
Một động lực khiến mình tập lặn là coi phim rồi tưởng tượng sẽ có ngày mình bị lạc vô một cái hang nào đó mà cửa ra lại ngầm dưới 1 con suối nào đó và thông ra một cái hồ bên ngoài. Thế thì muốn thoát thân chỉ có cách lặn thôi. Chỉ có điều, lúc đó mà bị lạc chung với 1 em gái thì làm cách nào để đưa em ra cùng đây.
Hiện giờ mình vẫn lúng túng về cách đập chân khi lặn. Có lúc mình đập chân kiểu sải nhưng quạt tay kiểu ếch. Có lúc lại đập chân cá heo và không quạt tay. Bữa nào ráng nhớ lên Youtube tham khảo.
7. Lộn người đổi hướng (flip turn)
Đây là động tác khi người bơi đã tới bờ bên kia, cần đổi hướng để bơi ngược lại bên này. Họ sẽ lộn người nửa vòng, đạp chân vào thành bể để đẩy người phóng ngược lại. Mới đầu tập chiêu này, mình lộn không được vì mỗi lần hụp đầu xuống chuẩn bị lộn là bị nước xộc vào mũi cay xè. Vừa cay vừa rát buốt khiến tinh thần bấn loạn, chân tay lóng ngóng không lộn được. Dù cố nín thở thế nào, nước vẫn xộc vô. Cho đến một hôm mình cố gắng tìm hiểu trên mạng thì vớ được một câu hỏi: Nên thở ra tới mức nào khi thực hiện lộn ngược? Ồ, hóa ra là thế. Hóa ra là lúc hụp đầu lộn thì mình thở hắt ra, nước sẽ không vào được.
Bây giờ thì đã lộn được rồi, nhưng còn một vấn đề là lộn hơi quá, thay vì nửa vòng thì thành ra 3/4 vòng, nên chân không chạm thành bể để đạp được.
8. Bơi bướm (butterfly)
Cũng hơi nhục là cho tới giờ vẫn chưa tập được thành công. Chân đã đập ngon lành rồi nhưng mà chưa phối hợp với tay được, bơi cứ như người bị chết đuối vùng vẫy. Đã vậy nước còn văng tung tóe náo động cả một góc hồ. Nghe đâu em Ánh Viên có sở trường ở kiểu bơi này. Chắc xin em dạy dỗ cho.
9. Bơi chó (dog)
Đây là kiểu mà mình chưa biết làm. Bố mình bơi kiểu này nhưng do bận rộn làm lụng nên không dạy mình. Người nhà quê thường bơi kiểu này vì nó tự nhiên, bắt chước loài vật xung quanh. Bơi kiểu này thì đầu luôn luôn ở trên mặt nước, phù hợp với hoàn cảnh bơi trên sông hồ, nơi mà nước đầy bùn, hụp xuống như ếch là tối hù không thấy đường, hoặc như bơi trên biển, sóng to gió lớn mà bơi sải (theo kiểu chuẩn) thì chắc uống đầy bụng nước.
Hồi mới tập bơi ếch, vào 1 đêm mưa to gió lạnh, mình hứng chí tập bơi kiểu này và bị... chuột rút. Từ đó sợ, cũng ngại tập lại.