Hôm nay là một ngày sau ngày tôi trở về từ chuyến đi tình nguyện bảo tồn rùa biển. Phải dành hai giấc ngủ để hồi phục sức lực, để có thể ngồi đây và ghi lại những kỉ niệm. Công việc trước mặt đầy bề bộn, vì một tuần vắng mặt, và còn một chapter truyện tranh One Piece mới ra chưa kịp đọc, nhưng tôi cứ để đó. Tranh thủ ngồi viết lại những dòng này, khi cảm xúc vẫn còn lâng lâng, kẻo sau này nó tan biến mất thì không còn gì để viết nữa.
Tôi biết đến chương trình tình nguyện bảo tồn rùa biển này một cách tình cờ. Cần giải thích thêm đây là chương trình khác với chương trình tại Côn Đảo. Chương trình tại Côn Đảo do IUCN, "Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế", tổ chức và tôi đã nghe đến từ trước, dù không có điều kiện tham gia. Còn chương trình tôi vừa đi tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận thì do nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam tổ chức. Là một người yêu động vật (hơn cả người, trừ con gái) nên tôi tham gia nhóm Sinh vật rừng Việt Nam với tư cách "lót dép ngồi hóng". Năm ngoái tôi bắt gặp một bài đăng trong nhóm về việc mở lớp đào tạo kĩ năng đi rừng. Bài này lại được đăng chéo từ nhóm Tình nguyện viên cứu hộ rùa biển qua, vì lớp học này là gom "kĩ năng sống trong rừng" với "kĩ năng nhận dạng và cứu hộ rùa biển" vào một buổi. Mặc dù liếc thấy chữ "cứu hộ rùa biển" nhưng tôi không để tâm lắm, vì tôi nghĩ phần cứu hộ rùa biển này là dành cho người đã là thành viên từ trước, không phải tay ngang như tôi. Tôi đến lớp với mục đích ban đầu là để học kĩ năng đi rừng. Đó là một buổi học thú vị. Tôi lắng nghe một cách say mê về những mẹo đốt củi, mẹo chọn đất dựng lều, mẹo lội suối đá, về sự hữu dụng của những thứ nghe như không liên quan như bao cao su, băng vệ sinh trong việc đi rừng, về những loại cây độc, ăn được, nhưng chỉ được một lần, và những loại rắn độc, có loài thích giấu mình dưới đống lá khô, để khi mình lỡ đạp chân lên thì "bặp bặp", xong đời. Rồi tôi lại nghe say mê với những kiến thức về cuộc đời của rùa biển, về tập tính "mẹ thích thì mẹ đẻ, không đẻ năm nay thì để năm sau" của các mẹ rùa biển, về việc phải làm trẻ thơ suốt 35 năm mới được yêu, về cuộc đời mà phần lớn thời gian là "biến mất" khỏi sự theo dõi của con người. Đây là lần đầu tiên tôi thấy anh Phùng Mỹ Trung, người mà tôi đã để ý đến tên từ 12 năm trước (2015). Hồi đó, những năm đầu vào đại học, tôi có tham gia viết bài cho một số tờ báo về công nghệ, tin học. Một trong những tờ mà tôi cộng tác là tờ Khoa học & Ứng dụng (KH&UD) của Sở KHCN Đồng Nai. Là một tạp chí nhỏ, tỉnh lẻ nên nhuận bút không cao và họ thường gửi báo mới về cho tôi. Trong một số, tôi bắt gặp bài giới thiệu về phần mềm "Sinh vật rừng" của Phùng Mỹ Trung. Nội dung phần mềm nghe đã hấp dẫn mà thông tin tác giả cũng thú vị, vì nghề nghiệp của tác giả vừa là "công nghệ thông tin", lại có "kiểm lâm" rồi "hải quan" nữa. Kiểm lâm mà biết làm phần mềm, coi bộ "hàng hiếm" à. Phần mềm phát hành dưới dạng đĩa CD mà tôi lại không thấy CD bán ở các cửa hàng vi tính nên không mua được. Hồi đó tôi hơi ngu và nhát nên không nghĩ đến chuyện nhờ báo KH&UD Đồng Nai mua giùm. Sau này, nhờ search tên phần mềm mà tôi lần ra website vncreatures.net, phiên bản online của phần mềm CD kể trên. Sau vài năm nữa thì tôi lần ra nhóm Facebook "Sinh vật rừng Việt Nam" và dẫn dắt tôi đến với chương trình bảo tồn rùa biển này.
Dông dài tí, giờ quay lại với chuyện rùa biển. Sau lớp học hôm ấy thì tôi quyết định tham gia nhóm cứu hộ rùa biển luôn, vì trong lớp học, "bác Trung" có bảo là vẫn còn đang tuyển người. Sau buổi học lý thuyết thì tới một ngày học thực hành về kĩ năng đi rừng đêm tại Thác Mai, Đồng Nai. Đó là lần đầu tiên tôi được đụng đến lều dã ngoại và lần mò cách dựng lều. 9 giờ tối chúng tôi được lùa vào rừng, chia nhóm để mò đường về trại. Dẫn đầu nhóm là Tân, một chuyên gia phượt, đã quen với việc đi rừng nên chúng tôi hoàn tất hành trình khá nhanh. Tôi không được thoả mãn cho lắm. Không có tiết mục một nhóm bị lạc và nhóm kia đi tìm. Nhưng tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác hoang mang khi tất cả đèn pin được tắt, nhìn xung quanh chỉ một màn tối om. Cái cảm giác chơ vơ không biết mình ở đâu, không biết xung quanh mình có gì, và những con ma trong tưởng tượng có thể ào ra hù mình bất kì lúc nào. Trong ngày học thực hành hôm ấy, chúng tôi được giảng lại về rùa biển. Lần này thì không được say mê cho lắm vì tôi đã nghe rồi. Chúng tôi đã có một đêm ngủ lều trên những tảng đá ven bờ suối, quây quần bên đống lửa đêm, nghe tiếng đàn ca, nghe tiếng nước chảy róc rách qua kẽ đá, nhìn trời đầy sao, nghe sương lạnh thấm qua lớp áo, rồi ngắm mặt trời lên, nhìn những làn khói nước buổi sáng lan tràn, phủ mờ mặt suối. Và rồi chúng tôi chia tay nhau, trở về để chờ đợi trong mòn mỏi và hào hứng chuyến đi thực tế ra VQG Núi Chúa để gặp các bạn rùa.
Một tháng, hai tháng trôi qua... Được sáu tháng thì tới lượt tôi lên đường, vì tôi được xếp vào nhóm 9 (đi vào tuần 9 của chương trình). Trước ngày đi một tháng thì tôi đã nôn nao tới mức thu gom các bạn cùng nhóm, lập một Facebook group để thảo luận việc chuẩn bị. Nhưng việc thảo luận chẳng tới đâu vì các bạn trong nhóm rất im hơi lặng tiếng, và nhân sự thay đổi xoành xoạch. Chuyến đi sẽ kéo dài 1 tuần, nên có những bạn bị vướng kì thi, hoặc không xin nghỉ phép công ty được, phải chuyển nhóm lên xuống, tới lui. Đối với tôi thì dễ, mặc dù đầu tắt mặt tối nhưng lịch làm việc của tôi co giãn được, do hiện giờ tôi không chịu sự quản lý của một công ty nào cả. Cần nghỉ thì chỉ việc báo trước. Và rồi một tuần trước khi đi, chúng tôi hẹn gặp nhau offline. Nhóm có tám người nhưng cuộc gặp mặt chỉ có ba! Hẹn nhau lúc 8h30 nhưng do ước lượng thời gian di chuyển sai nên tôi đến sớm 30'. Đây là lần hiếm hoi ước lượng sai mà tôi lại đến sớm, chứ thông thường từ Thủ Đức vào trung tâm thành phố, tôi toàn đi lâu hơn dự tính, thành thử đến trễ. Tại đây tôi gặp hai người đầu tiên của nhóm: Kim Ngân và anh Tiến. Anh Tiến là người sẽ rơi vào tình huống éo le sau này, vì ban tổ chức ghi nhầm tên anh thành Tiên, thiếu mất dấu sắc. Kết quả là giấy chứng nhận VQG cấp ghi sai tên anh. Nhận giấy chứng nhận ghi tên một người không phải là mình, chắc cảm giác không được thoải mái cho lắm. Cảm giác của tôi lần đầu gặp Kim Ngân là cô ấy hơi trẻ (vì nhỏ con) và... giống con trai! Lần đầu gặp mặt, tôi là một kẻ xa lạ nên Ngân ngại ngùng, ít nói. Trái ngược với sự rụt rè của Ngân, anh Tiến lại tỏ ra là một người hay nói, dễ bắt chuyện. Anh Tiến trông cũng khá trẻ so với tuổi. Đến hôm đó tôi mới biết là có hai bạn trong nhóm rút lui khỏi chương trình, thông qua nguồn tin rò rỉ từ bạn bè. Cả BTC lẫn hai bạn rút lui đều không thông báo cho nhóm. Có vẻ việc giao tiếp, liên lạc giữa BTC và TNV không được tốt. Thiếu người, giao tiếp chưa tốt nên việc phân công chuẩn bị đồ đạc cũng chưa rõ ràng. Tôi cũng hơi lo không đủ người để chia nhau canh bãi rùa. Mấy hôm sau thì tôi nhận được tin nhắn của Khuê, một TNV nhóm 7, báo rằng em sẽ tham gia nhóm tôi. Khuê và Long, một trong hai trưởng nhóm, là hai người mà tôi đã gặp trong lần đi Thác Mai.
Một tháng trước khi đi là một tháng đầy áp lực công việc đối với tôi. Là người phụ trách duy nhất của mảng phần mềm trong startup AgriConnect, tôi xoay qua xoay lại giữa các dự án đang triển khai, đồng thời còn phụ trách review cho một dự án phần mềm platform huấn luyện doanh nghiệp của cty cũ EasyUni (tôi chỉ làm phần mềm chứ không biết gì về nội dung chương trình cả), và review, hướng dẫn các bạn sinh viên trong cuộc thi lập trình Google Summer of Code. Tôi cố gắng hoàn thành công việc tới một mức độ tạm hài lòng để có thể an bình vắng mặt trong một tuần, an bình nghĩa là dự án sẽ không đổ vỡ trong lúc tôi vắng mặt, khiến cho ai đó sẽ réo tên tôi ra mà chửi. Đó cũng là thời gian thiếu ngủ, căng thẳng tới mức ngủ trưa không được. Tôi cũng mong và tin rằng chuyến đi canh rùa sắp tới sẽ là quãng thời gian tốt để thư giãn, hồi phục sức lực. Gần tới ngày đi thì tôi cũng vừa xong việc, quyết định "nghỉ việc, đình công" để chạy đi mua đồ và đi lấy áo đồng phục cho một thành viên khác, Huỳnh Ngân, người vì ở xa quá nên không thể đến họp nhóm bữa trước.
Thời gian hối hả trôi, những cơn mưa bất chợt đổ ào giữa cái nắng chói chang, ngột ngạt khói bụi. Ngày tôi ra xe cũng là một ngày như thế. Do phân vân giữa việc nên hay không nên mua kính lặn nên tôi chuẩn bị trễ, ra khỏi nhà trễ. Điểm tập trung ở trung tâm thành phố. Mới chạy được một quãng thì trời đổ ào một cơn mưa to. Tôi bị ướt gần nửa người, ba-lô đựng đồ bị thấm nước, ướt cả đồ đạc bên trong, đôi giày cũng sũng nước. Thấy tôi chưa tới, các bạn gọi điện nhắc nhưng vì vội chạy, lại mắc mưa nên tôi không thể bắt máy (lỡ dính nước mưa thì đi tong cái điện thoại). Lên xe tôi mới biết Long còn kiêm nhiệm vụ dẫn đoàn cho hội các gia đình đưa con đi thả rùa. Anh chàng khá bận rộn, thảo nào trên Facebook khi bàn bạc việc chuẩn bị thì anh ta không hé môi nửa lời, dù là trưởng nhóm. Trong đoàn người đi VQG Núi Chúa hôm ấy, có hai nhóm. Một nhóm là các ông bố bà mẹ trong hội "Gia đình em yêu thiên nhiên" đưa con đi thả những chú rùa biển con mới nở trở về với biển. Nhóm kia là chúng tôi, những người sẽ đi trông coi các bà mẹ rùa và cố gắng gìn giữ những quả trứng nở ra thành công. Và mãi đến hôm đó tôi mới gặp mặt đầy đủ thành viên của nhóm. Huỳnh Ngân là một cô gái khá xinh, trong mắt tôi. Nếu nói "theo chuẩn của tôi" thì là xạo, vì tôi chẳng có một chuẩn gì về cô gái trong mơ hết, nhưng Huỳnh Ngân quả thật khiến tôi xao xuyến, có điều em rất ít nói và tôi cũng chẳng thể nói chuyện nhiều với em trong suốt một tuần làm việc. Khi mọi người ngồi nghỉ và nói chuyện, em thường xích ra một góc nằm chơi game. Người còn lại là Mai Trọng Tấn, cái tên hao hao một ông tướng quân đội và tên một ca sĩ nhạc cách mạng. Anh trông hơi già so với tưởng tượng của tôi, và dắt theo một bé gái. Cách anh dạy dỗ, chăm sóc con gái đầy ân cần khiến Khuê sau này nói với tôi là em cảm thấy ghen tị, vì em không nhận được tình cảm của một người cha như thế.
Xe lăn bánh lúc 12h30 và dự kiến đến vườn lúc 9h30 tối. Quả là một chuyến đi dài. Tôi hơi lo ngại rằng mình có thể bị say xe. Mới cách đó hơn một tháng, tôi có hành trình về Cần Thơ, xuống Cà Mau, rồi quay lại Cần Thơ, để chia sẻ về phần mềm mã nguồn mở (BarCamp Mekong 2017), khi đang bị cảm nên đã bị say xe nhẹ. Thế nhưng chuyến đi lần này đã diễn ra êm xuôi. Ngoại trừ cảm giác uể oải vì phải ngồi lâu, thiếu vận động thì tôi cảm thấy khá tỉnh táo, ăn cơm lại thấy ngon nữa. Bữa chiều tôi đã ăn no tới nỗi chướng cả bụng. Xe chạy tới Mũi Né thì trời cũng bắt đầu tối, thế là từ quãng đó trở đi, những cảnh đẹp hai bên đường của Bình Thuận, Ninh Thuận tôi không còn ngắm được nữa. Cũng khá tiếc.
Sau một thời gian chờ đợi mỏi mòn trên xe thì chúng tôi cũng tới nơi, đó là trụ sở Vườn Quốc gia. Trụ sở vườn nằm trong cùng một khuôn viên với một điểm du lịch khác là Hang Rái. Có ba tòa nhà, gồm một nhà căn-tin, một nhà văn phòng và một nhà trưng bày, cùng hội trường. Các tòa nhà đều có những phòng có thể tận dụng làm nơi nghỉ qua đêm của khách. Đêm nay nhóm tình nguyện viên chúng tôi được ngủ tại trụ sở vườn, trước khi bị đẩy ra bãi rùa từ ngày mai. Khi nhận phòng, tôi khá bất ngờ khi nhìn lên tấm biển hiệu trước cửa phòng: Phòng Giám đốc. Chúng tôi được ngủ trong phòng Giám đốc, hèn chi phòng có mùi thơm thoang thoảng. Trước khi ngủ, chúng tôi được tham gia một bữa nhậu làm quen với anh Dũng, đội trưởng đội cứu hộ rùa biển của VQG và một số anh tình nguyện viên của địa phương. Nơi rùa lên đẻ gồm có 3 bãi: Bãi Ngang, Bãi Thịt và bãi Móng Tay. Bãi nằm khá xa trụ sở vườn, hơn 7km, đường đi lại khó khăn nên hình như không có nhân viên của VQG túc trực thường xuyên. Thay vào đó sẽ có một đội tình nguyện viên địa phương thay nhau ra canh bãi. Bãi thì dài, đường đi trắc trở mà người thì ít, nên cần đến đội tình nguyện từ phương xa như chúng tôi. Bữa ăn có món bạch tuộc và ốc rất ngon. Dự kiến là tối nay chúng tôi sẽ gặp nhóm 8 để bàn giao công việc, nhưng chờ mãi không thấy.
Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm để nhận nhiệm vụ đầu tiên: Hỗ trợ các bé đi thả rùa con. Đây là chương trình giúp các bé được tiếp xúc với rùa biển, được giảng về tầm quan trọng của rùa biển và môi trường, cũng như chứng kiến sự nhọc nhằn của rùa con khi trở về với biển, với hi vọng các bé sẽ là người bảo vệ rùa biển trong tương lai. Nơi thả rùa nằm trong Bãi Thịt. Có một con đường mòn từ đường nhựa xuống bãi, dài khoảng 2km. Đoạn giữa đường đi là một chuỗi dốc đá, khá hiểm trở đối với trẻ nhỏ. Tình nguyện viên chúng tôi có nhiệm vụ dìu, ẵm các bé qua những tảng đá này. Tại đây tôi nhận vết thương đầu tiên khi đôi dép lê của tôi trượt trên đá. Vết thương nằm ở mặt dưới bàn chân, phải đi lại nhiều nên suốt một tuần chưa lành. Bù lại, tôi được thưởng thức món nước rong biển của địa phương. Nước có vị ngọt thanh nhẹ và những mảng rong biển mềm, uống rất ngon.
Việc thả rùa con được tổ chức trong một ô vuông nhỏ thiết kế như trường đua. Rùa con được giữ trong một tô nước, do mỗi bé cầm. Các bé sẽ thả rùa ra đất rồi từ đó rùa con sẽ phải tự lắng nghe, nhìn trời nhìn đất để biết đâu là biển, rồi cắm đầu cắm cổ chạy ra.
Những bé rùa con với bốn chân ngoe nguẩy khi nghe tiếng sóng biển, như một em bé vung tay reo hò khi mẹ đi chợ về, thật dễ thương. Có bốn bé rùa vì mệt nên bị rớt lại đằng sau, thậm chí nằm im khi bạn bè đã ra biển hết, trông thật đáng thương. Cả hội nán lại động viên các bé cố gắng tiến lên, nín thở khi các bé nhích từng bước từng bước, rồi vỡ òa vui sướng khi các bé đã ngập vào nước biển, theo nước cuốn đi. Tạm biệt, cố gắng sống sót rồi 30 năm sau trở lại đây nhé.
Xong màn thả rùa, chúng tôi trở về vườn, tiếp tục chờ nhóm 8 lên để bàn giao. Không thấy tăm hơi đâu. Dự tính gặp nhóm 8 hỏi về những món đồ cần mua rồi đi chợ, nhưng vì không gặp nên chúng tôi lỡ mất buổi chợ. Trưa hôm đó, chúng tôi qua hồ rùa lớn bên Hang Rái. Tại đó tôi thấy bác Trung đang cặm cụi gỡ từng con hà đang bám dính chắc trên thân thể 3 con rùa lớn. Hồ này là nơi dưỡng thương của những cá thể rùa bị lâm nạn (bị đánh bắt trái phép, bị mắc lưới v.v...) trước khi được thả về với biển. Tình nguyện viên chúng tôi nhận nhiệm vụ cọ rửa rong rêu bám trên thành hồ và dọn bùn cát đọng dưới đáy. Công việc khá nhàm chán vì lũ rong rêu được định cư khá lâu nên bám khá chắc, chà hoài không ra. Cũng may có đông người làm và vì có lũ rùa nằm phè phỡn kế bên nên cũng giải tỏa tâm lý phần nào.
Xong việc làm con sen cho rùa, chúng tôi được dẫn đi lặn biển ngắm san hô ở Hang Rái và dọn rác bờ biển. Vùng biển nơi đây có điều đặc biệt là có rất nhiều san hô, khác với biển Vũng Tàu quê tôi. Vì nhiều san hô nên đi bộ dưới nước khá nguy hiểm: sẽ bị san hô cứa chân. Ở Hang Rái cũng có một sản phẩm độc đáo của tạo hóa: Một khối đá san hô cổ khổng lồ. Đá được tạo thành từ xương của một tập đoàn san hô đã chết, trải qua hàng ngàn năm phơi mình trong nước biển, nắng mưa, oằn mình trong những cơn xô đẩy của hoạt động địa chất để bị đẩy lên khỏi mặt đất. Bề mặt đá xù xì, nhiều gai và hốc nhỏ. Đáng tiếc vì đến đây vào buổi chiều, điện thoại lại bị nứt mặt kính camera nên tôi không chụp được bức ảnh nào rõ ràng của khối đá này.
Chiều tối, cuối cùng thì nhóm 8 đã đến, chúng tôi trao đổi sơ qua về kinh nghiệm ăn ở, làm việc ngoài bãi. Nhóm 8 có một bạn nữ khá xinh, mắt kiếng. Sau đó chúng tôi được hai bạn nhóm 8, cùng Tân, chuyên gia đi phượt, kẻ "ở hoài không chịu đi" khi tuần nào cũng dính tới anh ấy, đồng thời là "kẻ đáng ghét, đồ khó ưa" của Kim Ngân, là Đô-rê-mon với cái "túi thần kì" món gì cũng có, lấy xe máy đèo xuống Bãi Thịt.
Trong ba bãi rùa đẻ thì Bãi Thịt nằm giữa, ngăn cách với bãi Ngang, bãi lớn nhất, bởi một bãi đá to, hiểm trở, đi mệt, đặc biệt khi vừa đi vừa xách nặng, và ngăn cách với bãi em út Móng Tay bằng một bãi đá nhỏ hơn, dễ đi và cũng dễ lạc. Bãi Móng Tay gắn với một câu chuyện hơi rùng rợn, mà tôi không tiện kể ra đây, kẻo làm lung lạc tinh thần các nhóm sau. Khi đi ngược từ Bãi Móng Tay về lại Bãi Thịt, các bạn tình nguyện viên thường bị lạc lối, có hôm thậm chí còn cảm thấy lối đi bị biến mất. Bãi Ngang thì có ba chú chó hoang sống trong các hang hốc tự nhiên của bãi đá, khi có người đi qua thì đứng từ trên nhìn xuống, quan sát. Sau lưng cả ba bãi đều tiếp giáp với núi thấp. Núi ở đây không trọc, nhưng vì khí hậu khô hạn nên cây không phủ xanh. Xen giữa từng bụi cây thấp tè là những tảng đá lô nhô. Thỉnh thoảng mặt đá có những lỗ to bằng miệng chén, như tổ ong. Cánh rừng sau Bãi Thịt có nhiều cây có trái như trâm, chín mọng, đen nhánh. Quả sum suê, trông ngon lành nhưng không ai ăn. Cánh rừng sau Bãi Ngang như một vườn nhãn. Nhãn mọc nhiều nhưng cùi mỏng. Xen với nhãn là đa tử biển, loại trái giống trái chanh nhưng mùi thơm, nhẹ hơn.
Trên bờ Bãi Thịt có một căn nhà nhỏ, trống huơ trống hoác, làm nơi tạm trú cho người canh bãi, cũng sẽ là nơi sinh hoạt của chúng tôi. Nhà có bếp, có giếng nước nhưng không có nhà vệ sinh. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ tắm tiên và đi vệ sinh theo phong cách hòa mình với thiên nhiên. Thật YoMost! Trước nhà có một bụi dứa dại, một cây sầu đâu tỏa bóng mát, nơi mắc hai chiếc võng và một bụi cây phong ba, nơi các nhóm tình nguyện viên để lại những bộ quần áo bỏ quên cho nhóm sau dùng làm... giẻ lau nhà. Kì lạ, ở nơi khô hạn thế này mà cây sầu đâu rất xanh tốt. Nhờ có nó mà chúng tôi có một chỗ nằm nghỉ, hoặc tụ lại hàn huyên tán chuyện với nhau, sau những hành trình lội đá, lội cát mệt nhọc. Công việc hàng ngày của bản thân tôi trong những ngày tạm trú ở đây là xách nước từ ngoài giếng vô, đi nhặt củi và nhóm bếp, canh lửa. Là một bãi cát khô hạn nên nơi đây chẳng có cây gì làm củi ngoài cây dương (phi lao), than tàn rất nhanh. Tôi không có can đảm nấu ăn. Ở nhà, tôi chỉ nấu ăn khi bữa cơm chỉ có một mình mình ăn, vì sợ gây ra án mạng đầu độc người khác. Người năng nổ nhất trong việc nấu nướng là anh Tấn và anh Tiến, thỉnh thoảng có thêm Tân, người thường đi "ăn rình" nhà các tình nguyện viên địa phương, vì không thuộc "biên chế" của nhóm nào. Điện ở đây được tạo ra từ máy phát điện, chỉ chạy từ 6h đến 9h30 tối. Nhà được tài trợ một tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng vì không có ắc-quy trữ điện nên pin bỏ vất vơ trên nóc nhà, không xài được. Điện chỉ dùng cho việc thắp sáng và sạc điện thoại. Buổi tối đầu tiên ở bãi, vì xuống trễ nên chúng tôi nấu trễ, và thế là phải ăn uống trong ánh đèn pin, vì máy phát điện đã tắt.
Nói về chuyện ăn uống, chúng tôi tự gọi mình là "team xa xỉ", với những bữa cơm đạm bạc, "đạm" nhiều hơn "bạc". Trong khi nhóm 8 kể toàn ăn mì gói thì chúng tôi toàn những bữa linh đình, với cháo gà, cháo nhum (cầu gai), trứng chiên, thịt luộc, cá, mực, thịt nướng. À mà vì đốt bằng củi dương, tro tàn rất nhanh nên chẳng mấy chốc, món thịt nướng chuyển qua thành thịt xào. Ngày thứ hai, chúng tôi còn tổ chức một bữa bánh xèo rình rang tại quán nhà anh Quốc, một nhân viên của Vườn Quốc gia.
Ngày đầu thì chúng tôi hiền lành uống mật nho, những ngày sau, với sự giao lưu của các anh tình nguyện viên địa phương thì chúng tôi chuyển qua rượu (!!). Chỉ riêng tôi vẫn trung thành với lối sống không bia rượu. Nhưng cũng nhờ hơi rượu mà chúng tôi được chứng kiến trò "cắn nhau" qua lại giữa Khuê và Long, như chó với mèo. Ngoài việc là "team xa xỉ", chúng tôi còn là "team tử tế" vì để lại khá nhiều đồ nấu nướng (dầu ăn, nước mắm, đường sữa) cho nhóm sau. Nguyên do cũng tại ngày cuối cùng đi chợ, hành trình đi vất vả hơn nên hai thằng con trai là tôi và Long được cử đi, để có sức xách đồ, và Long đã mua hơi lố vài món, dùng không hết. Mỗi ngày, sau bữa ăn tối, chúng tôi còn có tiết mục uống café khuya, trước khi xách lều ra bãi cát ngủ. Có hai món chính là café sữa, và... sữa café. Nước pha café lấy từ giếng lên đun. Nước giếng bị nhiễm mặn vì gần biển nên café có một vị mằn mặn độc đáo hiếm gặp. Do rót sữa mà không trông coi nên tôi đã đổ hơi lố sữa, kết quả là trong một đêm mà chúng tôi tiêu gần hết lon. Thế là những ngày hôm sau, hầu như mỗi lần đi chợ chúng tôi lại mua một lon sữa, cuối cùng để lại cho nhóm sau một lon chưa kịp khui.
Có lẽ, vì nhóm chúng tôi có hai Ngân nên xài sang, đã "ngân lượng" lại còn "vàng" (Huỳnh, Kim) nữa chứ.
Ngoài café, chúng tôi còn được thưởng thức một gói Matcha trà sữa mà Tân Đô-rê-mon mang theo, trong một đêm trực ngoài bãi. Kết quả là đêm đó chúng tôi ngủ ngon lành, mém bỏ cả ca trực. Oái oăm thay, ngày hôm sau chúng tôi phát hiện ra là gói trà sữa đó đã bị hết hạn từ lâu (!!). Đó có lẽ là sự kiện đầu tiên mà Kim Ngân bắt đầu gọi Tân Đô-rê-mon là "Đồ đáng ghét". Nói về Tân, đây là một anh chàng đặc biệt, người to mập, luôn cười. Tân được bác Trung cử ở lại Núi Chúa này để hỗ trợ, hướng dẫn đường đi lối lại cho các tình nguyện viên, đồng thời cũng là "xế" để đèo mọi người trên những đoạn đường mà xe máy có thể dùng được. Tân mang theo mấy cái ba-lô to, đựng rất nhiều đồ, đến nỗi tôi phải gọi Tân là "tiệm tạp hóa di động". Cần ống tay tránh nắng ư, Tân có. Cần võng ư, Tân có. Cần bếp gas ư, Tân có. Cần ca nấu mì ư, Tân có. Tân luôn mang theo một con gấu bông, với hình tượng nhân vật hoạt hình Gấu Pooh, kẻ mà anh Tiến gọi là "thằng không mặc quần ngồi giữa lều". Tân có sở thích mặc đồ màu nổi, luôn mặc áo xanh chuối hoặc vàng khè, choàng khăn rằn bảy màu và đi một đôi dép lào màu hồng (!!). Tân còn nhiều tài lẻ, biết nấu nướng, biết cứu thương, biết thổi sáo, nhưng lại bị Kim Ngân gọi là "đồ thập cẩm".
Công việc ngoài bãi trực của chúng tôi là cắt cử nhau đi tuần lúc nửa đêm. Nếu có rùa lên đẻ thì chúng tôi sẽ báo cho anh đội trưởng đội cứu hộ của VQG, rồi anh sai gì làm đó. Công việc sau khi rùa đẻ xong thường là vật ngửa con rùa ra, đo từ đầu đến đuôi xem rùa dài bao nhiêu, ghi lại. Sau đó sẽ đếm có bao nhiêu trứng trong ổ, ghi lại. Mười tuần sau, khi trứng rùa nở, lại đếm có bao nhiêu cái nở, bao nhiêu cái tắc. Nếu ổ trứng ở gần nơi nước táp vào thì chúng tôi có thể phải di dời chúng đến nơi khô ráo hơn, tránh việc chúng bị nước biển làm hỏng. Công việc dự kiến là thế, nhưng tuần của chúng tôi không có may mắn diện kiến rùa lên, thành thử chúng tôi không làm việc bao nhiêu.
Hàng ngày, buổi sáng chúng tôi di chuyển từ Bãi Thịt về trụ sở VQG, rồi buổi chiều lại quay trở ra bãi. Dù đêm ngủ ít nhưng chúng tôi phải dậy sớm, vì nơi đây nắng gay gắt, buổi sáng cũng giống như buổi trưa. Chúng tôi dựng lều ngoài bãi cát, gần mép nước, nơi không có bóng râm nào. Mới 6h30 sáng mà mặt trời đã chói chang, nằm lâu trong lều là chúng tôi thành món cá nướng giấy bạc. Đường về trụ sở vườn có hai lựa chọn: Một con đường từ Bãi Thịt, leo dốc lên đường nhựa, rồi từ đó chạy xe máy về vườn; một con đường từ Bãi Ngang, xuyên qua một rừng nhãn và xương rồng lầy cát về thôn Thái An rồi trở ra đường nhựa về vườn. Có tám người lớn và một em bé (bé Xu con gái anh Tấn) nhưng chỉ có hai xe máy, một xe của Tân mang theo và một xe thuê của tình nguyện viên địa phương. Chúng tôi chọn đi con đường từ Bãi Ngang vì chúng tôi có thể giấu xe máy trên cánh rừng sau bãi. Nhóm trước đã thử đi con đường từ Bãi Thịt, nhưng không may bị mất cắp xe máy. Con đường Bãi Ngang có cái cực nhọc là chúng tôi phải leo qua bãi đá lớn, chạy xe trên một con đường mòn đầy cát lầy, xuyên qua một trận địa xương rồng gai chĩa ra tua tủa sẵn sàng đâm những kẻ nào không may quệt vào, hay kinh khủng hơn, té vào. Bé Xu con gái anh Tân là một bé gái đáng nể, mới tí tuổi mà theo chân chúng tôi trên mọi nẻo đường.
Sau khi vượt qua đám xương rồng hiểm ác, chúng tôi vào đến thôn Thái An, nơi chúng tôi dừng chân đi chợ cho bữa tối, hay đến lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em trong xóm. Chợ Thái An là một chợ nhỏ, nơi có những bữa ăn sáng rất rẻ, chỉ 5000 đồng. Chúng tôi có ba buổi dạy tiếng Anh, người phụ trách dạy chính là Long và anh Tiến, những người biết cách tổ chức trò chơi cho đám trẻ. Tôi thì không thích chơi với trẻ con nên chỉ ngồi ngoài rìa, lĩnh nhiệm vụ đi mua nước cho lớp học. Kim Ngân thỉnh thoảng tham gia trò chơi với bọn trẻ và phát kẹo. Bọn trẻ rất hồn nhiên, ra yêu sách cho các tình nguyện viên là "thầy bao nước thì tụi con mới đi học". Bọn trẻ được chia thành hai lớp, lớp nhỏ học trước, lớp lớn học sau. Có hôm vì học sinh đến ít, chúng tôi gom hai lớp vào một thì bọn trẻ lớp lớn không chịu, lí do là chúng không muốn vô học sớm để phải về sớm, vì không muốn về làm việc nhà (!!). Có một vụ kỳ án trong lớp học, đó là trong một tuần nào trước đó, bỗng xuất hiện một lá thư tỏ tình học trò gửi cho thầy. Lá thư chép một bài thơ tình nào đó, đề tên người nhận lạ hoắc mà không ai biết là thầy nào.
Do buổi trưa chúng tôi thường không trở về bãi kịp để nấu nướng nên chúng tôi thường ăn cơm ở một quán đầu thôn, rồi về trụ sở vườn tìm góc ngủ trưa. Sau đó chúng tôi sẽ đi tham quan vài nơi. Chúng tôi đến xem một hồ nước ngọt ở lưng chừng núi. Hồ này cung cấp nước tưới cho các vườn nho trong thôn. Từ hồ có các con suối nước ngọt chảy ra biển, một trong số đó chảy ngang qua trụ sở vườn. Nhờ con suối này mà ngay bên hông trụ sở có một mảnh ruộng lúa, dù sát mép biển, khá độc đáo. Có hôm thì chúng tôi bắt tàu đi tham quan bãi biển gần đảo Bình Hưng. Đây là chuyến đi khiến chúng tôi thiệt hại ngân quỹ đáng kể. Sau khi lượn một vòng quanh đảo, tàu tấp vào bờ, đưa chúng tôi đến một bãi gọi là Bãi Nước Ngọt. Nơi đây, ngay đằng sau bãi cát trắng là một vũng nước ngọt, nhận nước từ một con suối từ núi chảy xuống. Nếu tắm biển xong là có nước ngọt để tắm luôn. Có một hôm khác thì chúng tôi theo anh tình nguyện viên đi bắt nhum (cầu gai) về nấu cháo. Đồ nghề bắt nhum chỉ gồm một cây gậy, một cây vợt và một vòng phao có lót lướt ở giữa. Người bắt nhum sẽ dùng gậy để khều nhum vào vợt, sau đó cho vào vòng lưới. Người bắt nhum sau đó sẽ lắc vòng lưới như đãi gạo, để nhum gãy hết gai, rồi mang về bổ nhum ra, moi lấy thịt.
Tôi có ăn thử nhum, nhưng không thấy thích lắm. Nhum tanh quá.
Buổi tối, nếu ăn cơm xong sớm, chúng tôi thường ra bãi rùa sớm, ngồi ngắm trăng, hóng gió và tán chuyện. Một phần cũng vì chúng tôi tránh gây ồn ào phiền hà đến chòi của một gia đình thợ xây gần đó. Một người nhắc đến đợt mưa sao băng sắp tới. Các anh trong nhóm chọc các bạn nữ, muốn thoát ế thì canh sao băng rồi ước con có người yêu đi. Huỳnh Ngân chia sẻ rằng em sẽ canh sao băng, vì em đang mong gặp lại một người con trai. Mọi người phá lên cười chọc em là "Ngân sao băng". Riêng tôi có cảm thấy chút buồn. Đêm đó, tôi được phân công đi trực cùng Khuê. Khuê cũng có nỗi buồn riêng nên kêu tôi nghỉ chân ngồi lại để em có người chia sẻ tâm sự. Đây là một tình huống lạ lùng vì trước giờ tôi chẳng muốn tham gia vào chuyện tình cảm của người khác, ngay cả "làm mai" tôi cũng tránh né. Chuyện tình cảm của chị và em gái tôi, tôi cũng chẳng bao giờ hỏi đến. Trong lúc ngồi nghe tâm sự của Khuê, vào tai này lọt sang tai kia, tôi ngước nhìn trời và bắt gặp ba ánh sao băng. Tôi không có thói quen nguyện ước. Cả lần này cũng thế. Tôi cứ để từng ánh sao băng vụt qua.
Hay là sao băng ơi, cho tao gửi cơn cảm nắng này, rồi mày mang đi xa nhé./.