Cách đây mấy hôm một vài trang tin mạng đua nhau đưa tin "Thái Lan đổi tên thủ đô Bangkok thành Krung Thep Maha Nakhon". Tưởng tin giật gân nên đua nhau sao chép mà không suy nghĩ.
Thật ra chẳng có chuyện đổi tên gì cả. "Krung Thep Maha Nakhon" vẫn là tên chính thức của thủ đô Thái Lan trước giờ, người dân trong nước vẫn gọi tên đó trước giờ, nhưng gọi tắt thành "Krung Thep". Chỉ có văn bản tiếng Anh mới dùng chữ Bangkok.
Cái tên chính thức kia đọc là "Krùng Thep Ma-hả Na-khon" (chữ "Thep" phát âm với thanh cao hơn thanh ngang nhưng thấp hơn thanh sắc của tiếng Việt).
"Maha" (đại, lớn), "Nakhon" (thành phố) là hai từ mượn từ tiếng Sanskrit (Phạn), rất hay dùng trong các tên riêng. Vai trò của các từ mượn gốc Sanskrit tương tự vai trò của từ Hán Việt trong tiếng Việt.
Không chỉ Thái Lan, các nước Đông Nam Á khác cũng ưa dùng từ mượn gốc Sanskrit. Ngoài "Nakhon" còn có các từ khác đồng nghĩa, hay được gắn vào tên thành phố: buri, putra, putri, pura. Ví dụ tên gốc của Singapore là Singapura có chữ "pura" (còn singa là "sư tử"). Singapore cũng là một trường hợp mà tên thường gọi lại không hẳn là tên đúng. Vì ngôn ngữ quốc gia của Singapore là tiếng Malay nên Singapura mới là tên chính xác. Thủ đô hành chính (mới) của Malaysia là Putra Jaya cũng dùng từ gốc Sanskrit.
Các từ Hán Việt có ngữ pháp đảo ngược với tiếng Việt nên sinh ra các trường hợp tréo ngoe như cách nói "ngày sinh nhật". Cùng cảnh ngộ đó, các ngôn ngữ Đông Nam Á khác, có ngữ pháp giống tiếng Việt (thành tố chính đứng trước thành tố phụ), cũng chịu đựng sự tréo ngoe khi mượn từ Sanskrit với ngữ pháp đảo ngược. Ví dụ chữ "Krung" vốn đã có nghĩa là "thủ đô" rồi nhưng vẫn lặp lại với chữ "nakhon". Hoặc Malaysia có một thành phố tên "Bandar Seri Putra", trong đó "Putra" lặp với "Bandar".