Nhân việc sắp tới có bảy năm gần như liên tiếp (chỉ đứt đoạn một năm) mà chỉ có ngày 29 Tết thay vì 30, mình sẽ kể những điểm lý thú trong âm lịch Việt Nam 🇻🇳 (và Trung Quốc).
Âm lịch Việt Nam dựa vào chu kỳ Mặt Trăng để tính tháng, nhưng vẫn dựa vào Mặt Trời để căn chình lại năm. Ví dụ nó quy ước ngày nào chứa điểm sóc thì ngày đó là đầu tháng âm lịch. "Sóc" là thời điểm mà Trái Đất -> Mặt Trăng -> Mặt Trời thẳng hàng, người ở nửa bên đêm của Trái Đất sẽ thấy đó là đêm tối nhất, vì Mặt Trăng ở hẳn sau lưng bên kia rồi, bởi vậy có câu thành ngữ "tối như đêm 30", vì đêm 30 có "sóc", hoặc sát với "sóc" mà.
"Ngày" tính bằng chu kỳ tự quay của Trái Đất, mà tháng thì tính bằng chu kỳ Mặt Trăng và chu kỳ Trái Đất bay quanh Mặt Trời, và các con số này lại không tròn trịa nên chu kỳ gặp lại "sóc" chỉ là lưng chừng 29 - 30 ngày, thành thử có tháng thì 29 ngày, có tháng thì 30.
Vì căn cứ theo Mặt Trời nên có sự nhiễu động của yếu tố "múi giờ" nữa. Ví dụ khi "sóc" xảy ra, nếu ở Việt Nam là 23h30 của ngày hôm trước thì ở Trung Quốc là 00h30 của ngày hôm sau, do múi giờ Trung Quốc đi trước Việt Nam một tiếng. Có nghĩa là đầu tháng âm lịch của hai nước rơi vào hai ngày khác nhau. Hệ quả là sẽ có lúc hai nước ăn Tết vào hai ngày khác nhau, dù xài chung một hệ thống lịch 😃.
Nãy ở trên có nói, âm lịch Việt Nam dựa vào Mặt Trời để căn chỉnh lại năm. Ấy là tháng Tí (11) âm lịch được chọn là tháng có Mặt Trời đi qua điểm Đông chí, tức là Mặt Trời ở xa bề mặt bán cầu Bắc nhất, là hôm lạnh nhất. Tại sao Tí là con giáp đầu tiên mà lại đánh số 11? Tại vì để tháng 1 đến trễ khi trời đã ấm lên mà còn ăn Tết chứ. Nếu đánh số 1 từ tháng Tí thì phải ăn Tết lúc trời đang lạnh à? Vì chuyển động tương đối của các thiên thể không phải là một con số tròn trịa nên giữa hai lần Đông chí có thể là mười hai tháng hoặc mười ba tháng trăng. Năm nào có mười ba tháng trăng thì năm đó là năm nhuận, và cái tháng bị dư ra đó là tháng nhuận. Việc chọn tháng nào trong mười ba tháng đó làm nhuận thì cũng lại căn theo Mặt Trời. Ta biết rằng Trái Đất bay quanh Mặt Trời nhưng nếu đứng quan sát từ Trái Đất thì có vẻ là Mặt Trời đang đi vòng quanh Trái Đất. Người ta chia quỹ đạo tương đối đó của Mặt Trời ra làm mười hai điểm gọi là trung khí, mà Đông chí là một trong mười hai điểm đấy, giữa hai trung khí là một cung hoàng đạo. Mười ba tháng vừa kể sẽ chia nhau mười hai trung khí này nên sẽ có một tháng trăng không nhận được trung khí nào, và nó sẽ được chọn làm tháng nhuận. Tuy nhiên còn có một số quy tắc khác ảnh hưởng việc chọn tháng nhuận nữa, ví dụ không được nhuận tháng Chạp, tháng Giêng, tháng Tí (vì lý do dễ hiểu thôi, nếu nhuận tháng Giêng thì ăn Tết hai lần à). Vì sự chênh lệch múi giờ ở trên cộng với sự chen giữa của tháng nhuận nên có lúc Tết Việt Nam và Tết Trung Quốc lệch nhau tới cả tháng (xảy ra vào năm 1985).